Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình xóa bỏ bản hợp đồng xã hội


Ông Tập Cận Bình tại lễ bế mạc kỳ họp Quốc Hội tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, 11 tháng Ba, 2024. Hình minh họa.
Ông Tập Cận Bình tại lễ bế mạc kỳ họp Quốc Hội tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, 11 tháng Ba, 2024. Hình minh họa.

Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Trung Quốc mới họp đầu tuần này, 24 ủy viên quyết định sẽ tổ chức họp khoáng đại Ban Chấp Hành Trung Ương vào tháng 7 – một hội nghị đáng lẽ phải diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm ngoái. Trong mỗi nhiệm kỳ 5 năm, Trung Ương Đảng họp bảy lần; năm nay là lần thứ ba. Mỗi Hội nghị thứ ba thường đưa ra một “kế hoạch năm năm” mới, vạch ra các chính sách, đường lối cho 96 triệu đảng viên tuân hành.

Thông báo của Bộ Chính Trị không cho biết chương trình nghị sự sẽ nêu những vấn đề nào. Họ cũng không giải thích tại sao phiên họp quan trọng này lại bị trì hoãn. Năm ngoái đánh dấu mười năm kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Cũng là dịp kỷ niệm 45 năm từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầy đổi mới, tư bản hóa đời sống kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình cho 376 ủy viên trung ương họp chậm lại 8 tháng, chắc vì chính ông chưa sẵn sàng!

Trong năm 2023 ông Tập Cận Bình không bắt được nhiều vụ tham nhũng lớn trước hàng ngũ lãnh đạo nhưng lại phải cách chức hai người cộng sự được coi là rất thân tín. Tần Cương là con người tài hoa được Tập Cận Bình tin tưởng, cử làm đại sứ ở Mỹ, rồi nâng lên làm Bộ trưởng Ngoại giao. Chỉ nửa năm sau bỗng nhiên Cương biến mất không dự các sinh hoạt chính phủ, không có mặt ngay cả tại các nghi lễ tiếp đón ngoại trưởng các nước khác. Vụ Tần Cương chưa thấy một lời giải thích nào thì đến lượt Bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc vắng mặt bất thường không rõ lý do. Cuối cùng, Lý và mấy tướng lãnh phụ trách lực lượng hỏa tiễn bị tố giác tội tham nhũng. Lúc đó người ta mới biết quân đội Trung Cộng có khi đổ nước vào hỏa tiễn thay vì đổ xăng. Ông chủ tịch Quân ủy Trung ương, kiêm chủ tịch đảng, chủ tịch nước, chắc không muốn nghe dư luận nhắc đến những chuyện này, nếu triệu tập Trung Ương họp năm ngoái.

Mặc dù không giải thích tại sao hội nghị bị trì hoãn và không loan báo chương trình nghị sự nhưng Bộ Chính Trị cũng cảnh giác về những khó khăn kinh tế và xã hội; phải điều hợp sao cho đạt được những thành quả cụ thể. Khi lên tiếng về cả kinh tế lẫn xã hội, Bộ Chính Trị Trung Cộng có lý do.

Kinh tế Trung Quốc đang phải đối đầu với hai mặt của cùng một vấn đề: người tiêu thụ giảm bớt chi tiêu và các nhà sản xuất phải giảm giá bán, nạn giảm phát bắt đầu đe dọa. Các chỉ số “PMI” cho thấy số lượng hàng đặt mua giảm bớt trong tháng Ba, kể cả những thứ hàng để xuất cảng. Như bà Janet Yellen nói thẳng khi đi thăm Trung Quốc, cả nền kinh tế đang gặp nạn “số cung cấp thặng dư” đúng lúc nhu cầu của giới tiêu thụ xuống thấp.

Sau mấy chục năm thả lỏng cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng cơ xưởng, mua thiết bị với tiền vay lãi thấp của các ngân hàng, các xí nghiệp thấy tiền lời tụt giảm. Trong tháng Ba, 2024, mức lời trong ngành công nghiệp chế hóa đã giảm 3.5%, theo báo SCMP ngày 30 tháng Tư, 2024, vì giảm giá bán. Các xí nghiệp còn phải trả giá đắt hơn khi nhập cảng các nguyên liệu và đồ phụ tùng vì phải mua đô la Mỹ đắt hơn. Khi lợi nhuận các xí nghiệp giảm thì người ta cũng bớt đầu tư để phát triển kỹ thuật và bớt tuyển dụng công nhân. Ông Tập Cận Bình đã phải hô hào lại những khẩu hiệu cũ từ thời Mao Trạch Đông: Kêu gọi các sinh viên trở về với đồng ruộng, học tập giới nông dân.

Nhiều sinh viên đã thi hành khẩu hiệu đó, vì không có cách nào khác. Gần một phần tư thanh niên Trung Quốc đang không kiếm ra việc làm. Số thống kê sau cùng cho biết trong lớp tuổi từ 16 đến 24 có 21.5% không kiếm ra việc làm. Những người lớn tuổi hơn, từ 25 đến 59 chỉ có 4.1% bị thất nghiệp, theo SCMP ngày 25 tháng 10, 2024. Trước dư luận lo âu quá nặng, từ tháng 10 năm ngoái, nhà nước cho phép Quốc Gia Thống Kê Cục (NBS) ngưng công bố tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ. Thiếu tin tức, mối lo của các sinh viên mới ra trường càng nặng hơn. Trên mạng xã hội những ngôn ngữ mới xuất hiện mô tả tình trạng thanh niên đang theo “chủ nghĩa nằm dài,” hoặc trở về sống nhờ cha mẹ, đóng vai “con ngoan vĩnh viễn.”

Trước khi hoạt động sản xuất đình trệ thì giới trẻ Trung Quốc vẫn thích đi làm công chức hơn là cho tư doanh. Tháng 11 năm ngoái, khi chính phủ tuyển thêm 39,000 công chức mới, có đến 2 triệu 830 ngàn người nạp đơn; bình quân 72 người xin làm một công việc. Thống Kê Cục chỉ cần thêm một nhân viên làm ở Khu Tự trị Ninh Hạ, 3,500 đã người nộp đơn, theo Hoa Nam Đán Báo (SCMP) ở Hương Cảng ngày 25 tháng 10, 2023!

Những người xin dự cuộc khảo thí tuyển một công chức thường là các sinh viên tốt nghiệp đại học. Năm ngoái trong cả nước có 11.58 triệu sinh viên ra trường, báo SCMP cho biết. Cũng theo báo này, guồng máy nhà nước gần đây đã đủ lớn, số tuyển dụng giảm 58 phần trăm; số nhân viên tuyển vào làm trong bộ máy của đảng cũng giảm hơn 33%. Điều kiện tuyển chọn cũng khó hơn. Năm ngoái, 2.600 chức vụ đòi phải có bằng cao học (gọi là thạc sĩ ở Việt Nam) 1,700 chức đòi có bằng tiến sĩ. Chỉ có 56 công việc không đòi hỏi phải tốt nghệp đại học.

Tình trạng thanh niên có học vẫn thất nghiệp là một vấn đề xã hội có lẽ Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Trung Quốc nhắc đến sau phiên họp đầu tuần này. Vì các sinh viên, dù có việc làm hay thất nghiệp cũng đều đã tập thói quen suy nghĩ, có sáng kiến, không biết sợ, và không phải chỉ nghĩ đến cơm áo cho riêng mình. Cuối năm 2022, cả thế giới đã ngạc nhiên chứng kiến cảnh thanh niên Trung Quốc biểu tình im lặng. Họ không hô, không trương một khẩu hiệu nào mà trong tay chỉ nâng lên những tờ giấy trắng! Những lời phản kháng thầm lặng không chống đối hay đòi hỏi một điều nào cụ thể, dù là chống lệnh cấm tụ họp quá ba người hay là đòi được tự do đi mua gạo, mua rau. Vượt lên trên tất cả những yêu cầu cụ thể đó; chỉ có một yêu cầu quan trọng nhất: Chúng tôi muốn sống như những con người! Không phải những con khỉ, con beo trong sở thú. Cũng không phải những cái đinh ốc trong một bộ máy.

Phương pháp biểu tình im lặng của giới trẻ đã diễn tả tâm trạng của hàng tỷ người Trung Hoa. Trong đó có cả một số trong 96 triệu đảng viên cộng sản và gia đình họ, nếu cộng lại có thể lớn hơn dân số Việt Nam. Dân Trung Hoa trong lục địa đã có một “hợp đồng ngầm” với đảng Cộng sản. Dân chịu sống theo sự sắp đặt của Đảng, chấp nhận theo mệnh lệnh dù không được tự do. Đổi lại, Đảng Cộng sản bảo đảm kinh tế phát triển, mọi người được sống bình thường, an ổn.

Bản “Công ước Xã hội” ngầm này đã bị ông Tập Cận Bình từ từ xé bỏ, vì tham vọng cá nhân cũng như vì các đường lối sai lầm. Người dân có thể chỉ nhún vai cười khi ông Tổng bí thư đảng Cộng sản thay đổi cương lĩnh, tu chính hiến pháp để đóng vai một hoàng đế suốt đời. Nhưng ông Tập không chấp nhận dùng loại vaccine mới, công hiệu mạnh của Pfizer và Moderna, chỉ cho dùng thuốc nội hóa. Khi biến thái Omicron xuất hiện, ở thành phố Thượng Hải giàu có nhất người ta phải đi mua thuốc Tylenol từng viên lẻ, như giáo sư Hoàng Á Sinh (Yasheng Huang, 黄亚生), Đại học MIT, kể trên báo New York Times. Trong cảnh tai họa đó, Tập Cận Bình theo phương pháp quen thuộc nhất, là ra lệnh hàng trăm triệu người phải đóng cửa ở trong nhà.

Dân Thượng Hải đã xuống đường phản đối, lần đầu tiên trong chế độ cộng sản, và bị đàn áp. Một sự kiện bất ngờ khiến hàng trăm triệu người Trung Hoa chợt tỉnh, là 10 người chết trong một đám cháy ở Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương ngày 24 tháng 11 năm 2022. Mười người chết cháy không phải là một biến cố lớn ở Trung Quốc. Nhưng dân Trung Hoa cùng xúc động khi nghe tin 10 nạn nhân chết vì tòa nhà bị đóng, cấm ra ngoài theo lệnh nhà nước chống Covid. Hàng triệu dân chúng các thành phố khác cũng đang bị “cấm cung” giống như vậy. Hầu như cùng một lúc cả nước Trung Hoa bùng nổi giận. Dân tổ chức biểu tình tại nhiều thành phố khắp nước, để tang 10 người chết ở Tân Cương.

Cái gì gây ra cái chết thảm khốc của 10 nạn nhân này? Không riêng chính sách độc đoán, dốt nát, do thói không tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn của ông Tập Cận Bình. Cả chế độ độc tài chuyên chế, “hồng nặng hơn chuyên” là thủ phạm. Đảng Cộng sản không bảo vệ được cuộc sống an toàn của dân. Kinh tế đang rơi dần vào bế tắc. Bản hợp đồng ngầm giữa đảng và dân đang bị Tập Cận Bình bỏ qua.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG