Đường dẫn truy cập

Thái Lan phá đường dây buôn người


Người lao động nhập cư bốc vác cá đông lạnh tại bến cảng ơ Bangkok; Thái Lan đã bị Hoa Kỳ đánh tụt hạng trong bản phúc trình thường niên về những nỗ lực chống buôn người.
Người lao động nhập cư bốc vác cá đông lạnh tại bến cảng ơ Bangkok; Thái Lan đã bị Hoa Kỳ đánh tụt hạng trong bản phúc trình thường niên về những nỗ lực chống buôn người.

Cảnh sát Thái Lan đã phát giác 13 người Rohingya từ lân bang Myanmar bị những kẻ bất lương giam giữ tại một đồn điền dầu cọ để đòi tiền chuộc.

Giới hữu trách Thái Lan cho biết đường dây tội phạm này bị phát giác hồi cuối tuần qua trong lúc có những tố cáo về sự toa rập của các giới chức chính quyền trong hoạt động buôn người ở Thái Lan và Myanmar, tức Miến Điện.

Hai người đàn ông đã bị bắt sau khi đòi gia đình của các con tin, gồm 10 người đàn ông và ba phụ nữ, phải nộp 1.500 đô la tiền chuộc cho mỗi người. Những nạn nhân này nằm trong nhóm hơn 100 người ở tiểu bang Rakhine tìm cách đến Trung Quốc và Malaysia để lánh nạn.

Ông Kyaw Thaung, một nhân vật tranh đấu cho quyền lợi của di dân Myanmar, cho đài VOA biết rằng đã xảy ra rất nhiều những vụ tống tiền như vậy.

"Những người di dân không có tiền để trả và không có thức ăn để ăn. Nhưng họ lại bị đòi phải nộp 1.500 cho tới 2.000 baht tại biên giới và chính quyền không thể ngăn chận những vụ tống tiền như vậy của những nhóm vũ trang."

Hai tuần lễ trước, Hoa Kỳ đã đánh tụt hạng Thái Lan trong bản phúc trình thường niên về những nỗ lực chống buôn người, trong khi Myanmar đã tránh được số phận đó. Nước này tiếp tục nằm trong danh sách cần theo dõi sang tới năm thứ ba liên tiếp nhờ vào một điều khoản miễn trừ vì chính phủ có một kế hoạch để chống buôn người.

Tại một cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ hôm thứ ba, Đại sứ lưu động về buôn người, ông Luis CdeBaca, tố cáo Thái Lan về “sự đồng lõa trên diện rộng” trong lãnh vực buôn người. Ông nói thêm rằng Myanmar cũng có một tình trạng y hệt như vậy.

"Chính phủ Miến Điện đã thực hiện những nỗ lực để cải thiện cách ứng phó với nạn buôn người, nhưng một số giới chức quân đội và các dân quân của phe nổi dậy vẫn tiếp tục bắt thường dân làm nô lệ lao động và bắt trẻ em đi lính."

Tuy nhiên, các giới chức cảnh sát Myanmar trong vùng biên giới giáp với Thái Lan nói rằng họ không thể giải quyết những vấn đề đang xảy ra ở Thái Lan. Thiếu tá Min Khine phát biểu như sau:

"Hầu hết những vụ này xảy ra trên đất Thái Lan và chúng tôi không có quyền tài phán ở đó. Nhưng chúng tôi đang cố gắng để thực hiện những vụ bắt giữ. Chúng tôi không thể tự mình giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để chống lại nạn buôn người trong ba năm nay."

Cảnh sát Thái Lan hôm thứ tư cho biết họ dự kiến sẽ có thêm những vụ bắt giữ những phần tử buôn người sau vụ đột kích hồi cuối tuần.

Những vụ bạo động tôn giáo và sắc tộc ở Myanmar đã khiến hơn 140.000 người Ronhingya theo đạo Hồi phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong hai năm qua.

Từ năm 2013 tới nay, hơn 1.700 người Rohingya đã bị bắt ở Thái Lan sau khi tàu của họ bị mắc cạn trong lúc vượt biên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG