Đường dẫn truy cập

TikTok, ByteDance kiện đạo luật Mỹ vừa ban hành nhắm vào TikTok


Văn phòng TikTok tại Culver City, California.
Văn phòng TikTok tại Culver City, California.

TikTok và công ty mẹ ByteDance ngày 7/5 kiện lên tòa án liên bang Hoa Kỳ tìm cách ngăn chặn một đạo luật do Tổng thống Joe Biden ký mà qua đó sẽ buộc ByteDance phải thoái vốn nếu không TikTok sẽ bị cấm ở Mỹ.

TikTok và ByteDance đệ đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ, lập luận rằng luật vừa ký vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ vì một số lý do, bao gồm cả việc vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Tu chính án Thứ nhất. Đạo luật được ông Biden ký vào ngày 24 tháng 4, cho ByteDance thời hạn đến ngày 19/1/2025 để bán TikTok nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.

Đơn kiện nói chuyện thoái vốn “đơn giản là không thể thực hiện được: không phải về mặt thương mại, mặt công nghệ hay mặt pháp lý... Không còn nghi ngờ gì nữa: Đạo luật (luật) sẽ buộc TikTok phải đóng cửa trước ngày 19 tháng 1 năm 2025, khiến 170 triệu người Mỹ phải im tiếng, những người sử dụng nền tảng này để giao tiếp theo những cách không thể sao chép ở nơi khác.”

Tòa Bạch Ốc cho biết muốn thấy quyền sở hữu của người Trung Quốc chấm dứt vì lý do an ninh quốc gia chứ không phải muốn cấm TikTok. Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về vụ kiện. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Vụ kiện là động thái mới nhất của TikTok nhằm đi trước các nỗ lực đóng cửa TikTok ở Mỹ khi các công ty đối thủ như Snap và Meta đang tranh thủ tình thế để thu hút tiền quảng cáo.

Do các nhà lập pháp Hoa Kỳ lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu về người Mỹ hoặc theo dõi họ bằng ứng dụng này, luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo chỉ vài tuần sau khi được đưa ra. TikTok đã phủ nhận rằng họ đã hoặc sẽ chia sẻ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ, đồng thời cáo buộc các nhà lập pháp Mỹ đã thúc đẩy những lo ngại “đồn đoán”.

Luật cấm các cửa hàng ứng dụng cung cấp TikTok và cấm các dịch vụ lưu trữ internet hỗ trợ TikTok trừ khi ByteDance thoái vốn ra khỏi TikTok trước ngày 19/1/2025.

Đơn kiện nói chính phủ Trung Quốc “đã nói rõ rằng họ sẽ không cho phép thoái vốn ra khỏi công cụ đề xuất, vốn là chìa khóa thành công của TikTok tại Hoa Kỳ”. TikTok và ByteDance đã yêu cầu Tòa án Liên bang ngăn cản Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland thực thi luật này.

Theo đơn kiện, 58% ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư định chế toàn cầu bao gồm BlackRock, General Atlantic và Susquehanna International Group, 21% thuộc sở hữu của sáng lập viên công ty người Trung Quốc và 21% thuộc sở hữu của nhân viên – bao gồm khoảng 7.000 người Mỹ.

Căng thẳng về internet và công nghệ

Cuộc chiến kéo dài 4 năm về vấn đề TikTok là một mặt trận quan trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra về internet và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vào tháng 4, Apple cho biết Trung Quốc đã ra lệnh cho họ xóa WhatsApp và Threads của Meta ra khỏi App Store tại Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia Trung Quốc.

Theo đơn kiện, TikTok đã chi 2 tỷ đô la để thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ và đưa ra các cam kết bổ sung trong dự thảo Thỏa thuận An ninh Quốc gia dài 90 trang được phát triển thông qua đàm phán với Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS).

Theo đơn kiện, hiệp ước đó bao gồm việc TikTok đồng ý với “giải pháp đóng cửa”, cho phép chính phủ Hoa Kỳ quyền đình chỉ TikTok ở Mỹ nếu TikTok vi phạm một số nghĩa vụ.

Theo đơn kiện, vào tháng 8 năm 2022, CFIUS đã ngừng tham gia vào các cuộc thảo luận có ý nghĩa về thỏa thuận và vào tháng 3 năm 2023, CFIUS “nhấn mạnh rằng ByteDance sẽ bị yêu cầu thoái vốn hoạt động kinh doanh TikTok tại Hoa Kỳ.” CFIUS là một ủy ban liên ngành, do Bộ Tài chính Hoa Kỳ chủ trì, có nhiệm vụ xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp và bất động sản của Mỹ có liên quan đến những lo ngại về an ninh quốc gia.

Vào năm 2020, Tổng thống khi đó là Donald Trump đã bị tòa án chặn trong nỗ lực cấm TikTok và WeChat thuộc sở hữu của Trung Quốc, một đơn vị của Tencent, tại Hoa Kỳ. Ông Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa thách thức ông Biden của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 tới đây, kể từ đó đã đảo ngược hướng đi, nói rằng ông không ủng hộ lệnh cấm nhưng những lo ngại về an ninh cần phải được giải quyết.

Ông Biden có thể gia hạn thời hạn 19 tháng 1 thêm ba tháng nếu ông xác định ByteDance đang đạt được tiến bộ. Đơn kiện cho biết việc chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden vẫn sử dụng TikTok “làm suy yếu tuyên bố rằng nền tảng này gây ra mối đe dọa thực sự cho người Mỹ”. Chiến dịch tranh cử của ông Trump không sử dụng TikTok.

Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu có người mua tiềm năng nào có đủ nguồn tài chính để mua TikTok hay không và liệu các cơ quan chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ có chấp thuận vụ mua bán hay không.

Theo đơn kiện, để chuyển mã nguồn TikTok sang Hoa Kỳ “sẽ phải mất nhiều năm để một nhóm kỹ sư hoàn toàn mới có đủ hiểu biết”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG