Đường dẫn truy cập

Giới lập pháp hàng đầu Trung Quốc cam kết bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh


Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa, hàng thứ hai) và các lãnh đạo trong phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 4/3/2024.
Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa, hàng thứ hai) và các lãnh đạo trong phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 4/3/2024.

Các nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc hôm 8/3 tuyên bố sẽ ban hành một loạt luật mới để “hiện đại hóa hệ thống và năng lực an ninh quốc gia của Trung Quốc” trong khi bảo vệ lợi ích chủ quyền, một dấu hiệu cho thấy điều mà một số nhà phân tích cho là sự tập trung cao độ vào nhận thức về các mối đe dọa an ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPCSC), gồm khoảng 170 thành viên tập trung tại cuộc họp quốc hội thường niên ở Bắc Kinh, đã cam kết ban hành pháp chế bao gồm luật quản lý tình trạng khẩn cấp và luật năng lượng nguyên tử.

Họ cũng cho biết sẽ sửa đổi luật về giáo dục quốc phòng và an ninh mạng trong năm nay, theo báo cáo công tác do Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và là quan chức cao cấp thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Triệu Lạc Tế, đưa ra.

Kế hoạch lập pháp hàng năm của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào an ninh quốc gia, phù hợp với chủ trương của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc tập trung ngày nhiều vào việc ngăn chặn các mối đe dọa bên trong và bên ngoài nhằm đối phó với sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng.

Luật an ninh mạng của Trung Quốc, được ban hành vào năm 2016, là nền tảng cho quy định công nghệ lớn của nước này. Bắc Kinh trong ba năm qua đã thắt chặt quy định về cách các công ty của Trung Quốc lưu trữ và truyền dữ liệu người dùng, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng Chủ tịch Tập đã biến an ninh quốc gia thành một mô hình then chốt thâm nhập vào mọi khía cạnh quản trị của Trung Quốc.

Tháng trước, Trung Quốc đã mở rộng luật bí mật nhà nước để bao gồm cả “bí mật công việc” trong phạm vi thông tin nhạy cảm bị hạn chế, và ban hành luật chống gián điệp gây tranh cãi vào năm ngoái khiến các doanh nghiệp nước ngoài lo sợ.

“Tôi bị ấn tượng bởi sự tập trung của (báo cáo của NPCSC) vào an ninh quốc gia và tôi tin rằng điều đó rất quan trọng,” ông Ryan Mitchell, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, nói.

“Cạnh tranh địa chính trị chắc chắn sẽ tiếp tục là động lực chính cho các đạo luật tập trung vào an ninh. Chẳng hạn, liên quan đến việc sửa đổi Luật An ninh mạng, điều này phản ánh một lĩnh vực căng thẳng lớn và đang diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”.

Một báo cáo công tác riêng rẽ của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ “áp dụng khái niệm an ninh quốc gia tổng thể” vào công việc của họ trong năm nay.

Trong phần lớn bài phát biểu của ông Triệu, ông Tập không hề mở báo cáo công tác ra để xem. Nhưng trong khi Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc Trương Quân đọc báo cáo công tác của mình, ông Tập đã thảo luận sôi nổi với Thủ tướng Lý Cường và ông Vương Hỗ Ninh, quan chức cao cấp thứ tư của Đảng phụ trách về chính sách Đài Loan.

Vấn đề quốc tế

Các luật mới khác của Trung Quốc sẽ được xây dựng trong năm nay bao gồm luật ổn định tài chính và luật khuyến khích khu vực tư nhân, đồng thời cơ quan lập pháp nước này có kế hoạch sửa đổi các luật hiện hành về tài nguyên khoáng sản, cạnh tranh không lành mạnh, đấu thầu công và hàng không dân dụng. Cơ quan lập pháp nước này cũng có kế hoạch soạn thảo một bộ luật môi trường.

Việc xây dựng luật khuyến khích khu vực tư nhân của Trung Quốc có thể là một tín hiệu tích cực cho các công ty tư nhân sau khi niềm tin suy yếu trong bối cảnh luật chống gián điệp cứng rắn và hạn chế chuyển dữ liệu ra nước ngoài được ban hành trong những năm gần đây, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc không cung cấp thêm thông tin chi tiết trong báo cáo.

Báo cáo của NPCSC cũng tập trung vào vấn đề quốc tế, cam kết “tăng cường luật pháp trong các lĩnh vực liên quan đến đối ngoại và phát triển hệ thống luật để áp dụng ngoài lãnh thổ”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nói trong báo cáo: “Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý để đứng lên bảo vệ đất nước mình trên trường quốc tế và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình”.

GS Mitchell của Đại học Hong Kong nói vấn đề áp dụng luật ngoài lãnh thổ có khía cạnh địa chính trị và sẽ góp phần tạo ra cách thức ‘chống trừng phạt’ mới của Trung Quốc.

“Nói chung, tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục thấy những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường quyền tài phán ở nước ngoài cho các tòa án cũng như các cơ quan hành pháp của họ”.

Chính phủ Hong Kong hôm 8/3 đã công bố dự thảo dự luật an ninh quốc gia, Điều 23. Báo cáo công tác của NPSCS cam kết sẽ “cho thấy các hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia được thực hiện đúng đắn” tại “các khu vực hành chính đặc biệt” như Hong Kong mà không đề cập đích danh đến trung tâm tài chính do Trung Quốc kiểm soát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng cam kết mở rộng tương tác với các nghị viện nước ngoài trong năm nay, bao gồm tổ chức các hội thảo tại Trung Quốc cho các nhà lập pháp nước ngoài và các thành viên của họ.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG