Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc nhắm đến năng lượng sạch trong khi tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân


Việc phát triển công nghệ sạch là một con đường để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ở Nam Triều Tiên
Việc phát triển công nghệ sạch là một con đường để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ở Nam Triều Tiên
Nam Triều Tiên là một trong những quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Chính phủ đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên một số thành phố tin là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là con đường tốt nhất để tiến đến độc lập về năng lượng.

Sảnh đường thủ đô Seoul mới được thiết kế theo nguyên tắc sạch. Trên nóc sảnh đường có hơn 1.000 tấm thu năng lượng mặt trời để tạo ra điện và đun nóng nước trong tòa nhà.

Ông Kook Joung-yean là người đứng đầu bộ phận năng lượng của Sảnh đường Thành phố. Ông nói những tấm năng lượng mặt trời này cung cấp 28% năng lượng cần dùng cho tòa nhà, nhưng ông hy vọng việc này sẽ có ảnh hưởng tượng trưng lớn hơn. Ông nói:

“Chúng tôi cũng muốn khuyến khích khu vực tư đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chúng tôi có thể chỉ cho họ thấy những tấm năng lượng mặt trời hoạt động như thế nào tại Sảnh đường Thành phố để hy vọng họ sẽ theo bước chúng tôi.”

Nam Triều Tiên có nguồn nhiên liệu giới hạn. Ngân hàng Thế giới ước lượng 82% tổng số năng lượng tiêu thụ của nước này đến từ nhập khẩu, hầu hết là than đá và đầu hỏa.

Ông Park Ji-young, một nhà phân tích năng lượng thuộc Viện châu Á Nghiên cứu Chính sách tại Seoul cho biết việc phát triển công nghệ sạch là một con đường để giảm bớt sự phụ thuộc này:

“Nguồn năng lượng tái tạo cần thiết đối với Triều Tiên để giữ cho việc phát triển được bền vững cũng như chất lượng đời sống của quần chúng.”

Ông Park nói những dự án năng lượng sạch, như tại Sảnh đường Seoul nên được khuyến khích, nhưng chỉ những dự án năng lượng sạch không thôi không đủ thỏa mãn những nhu cầu trong nước.

Những nhà máy điện hạt nhân sản xuất khoảng một phần ba điện năng của Nam Triều Tiên. Hiện có khoảng 23 nhà máy điện hạt nhân và trong vòng thập niên tới, chính phủ dự trù xây dựng thêm 9 nhà máy nữa. Các lò phản ứng vẫn là một phần chính trong lộ trình tiến đến an ninh năng lượng của Nam Triều Tiên.

Dù có những lo ngại ngày càng tăng về điện hạt nhân tiếp sau tai họa Fukushima ở Nhật Bản, ông Kim Jong-kyung, chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Triều Tiên nói các lò phản ứng hạt nhân trên thực tế là một công nghệ sạch. Ông cho biết:

“Khí CO2 thải ra từ điện hạt nhân chỉ có 10 gram mỗi kilowatt giờ. Còn khí thải từ khí đốt hóa lỏng chẳng hạn thì cao gấp 55 lần. Đó là lý do tại sao năng lượng hạt nhân là năng lượng sạch. Dĩ nhiên có những quan tâm về an toàn, nhưng khi những vấn đề này được giải quyết thì năng lượng hạt nhân sạch nhất."

Những quan ngại về an toàn cũng đang gia tăng tại những nhà máy điện hạt nhân của Nam Triều Tiên. Trong năm qua, 3 lò phản ứng đã ngưng hoạt động sau khi những chứng chỉ an toàn giả được phát hiện. Và một số viên chức chính phủ đã bị sa thải hay vào tù vì nhận hối lộ từ những người cung cấp bộ phận thay thế.

Tại Sảnh đường Thành phố Seoul, người giám sát năng lượng Kook Joung-yean nói những vụ tai tiếng về an toàn và tham nhũng chỉ làm cho những tấm năng lượng mặt trời và những công nghiệp sạch khác quyến rũ hơn.

“Công nghệ này đang phát triển nhanh chóng và chúng tôi được chính phủ ủng hộ. Do đó tôi nghĩ trong tương lai, các loại năng lượng tái tạo này sẽ thay thế nguồn năng lượng hạt nhân và những nguồn năng lượng không tái tạo khác.”

Và ông Kook nói thêm là khi điều này xảy ra, Nam Triều Tiên sẽ thực sự độc lập về năng lượng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG